Giải pháp cho tỉnh Lào Cai  phát triển kinh tế ở khu vực Tây Bắc

 628 lượt xem
Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) được khắp nơi hưởng ứng. Tại những vùng điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, thì xây dựng NTM lại càng cần thiết, tuy nhiên để hoàn thành chương trình đề ra là không dễ dàng. Chính vì thế, những địa phương này đã có những cách làm hay, phù hợp với thực tế tình hình, thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. 

Lấy khó khăn làm động lực phát triển
Là một tỉnh miền núi, biên giới, cửa ngõ biên cương nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, tỉnh Lào Cai có nhiều địa bàn còn khó khăn do vị trí địa lý hiểm trở, tuy nhiên, đây cũng là lợi thế để phát triển du lịch thương mại như Sa Pa, Bắc Hà... và có nhiều khoáng sản quý như apatit, sắt, đồng... với trữ lượng lớn cho phát triển ngành công nghiệp khai khoáng, sản xuất phân bón và luyện kim; hệ thống sông Hồng và sông Chảy là điều kiện để xây dựng nhiều nhà máy thủy điện với công suất lớn được khai thác đã góp phần không nhỏ trong việc thực hiện thắng lợi công cuộc CNH - HĐH tại địa phương. Những năm gần đây với nhiều cơ chế chính sách mở, hạ tầng đô thị, cơ sở giao thông được nâng cấp... đã đưa Lào Cai trở thành tỉnh có nền kinh tế phát triển ở khu vực Tây Bắc.
Hưởng ứng Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”  do Thủ tướng Chính phủ phát động, Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai đã chung sức, đồng lòng, năng động, sáng tạo tổ chức triển khai phong trào thi đua thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn Tỉnh. Kết quả, đến hết tháng 9 năm 2019 các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt được như sau:
Số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 48/143 xã (đạt 96% kế hoạch Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra đến năm 2020), tăng 48 xã so với năm 2010 và tăng 28 xã so với năm 2015. Dự kiến đến hết năm 2019 số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 51 xã (vượt 01 xã so với mục tiêu Đại hội), hết năm 2020 là 55 xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới (vượt 05 xã so với mục tiêu Đại hội), chiếm tỷ lệ 38,46% tổng số xã trên địa bàn toàn tỉnh, vượt 20% so với chỉ tiêu trung ương giao.
Bình quân tiêu chí/xã: Đạt 13,5 tiêu chí/xã, tăng 10,2 tiêu chí so với năm 2010; dự kiến đến hết năm 2019 đạt 14 tiêu chí/xã (tăng 11,7 tiêu chí so với năm 2010).
Đến hết năm 2018, toàn tỉnh Lào Cai không còn xã dưới 5 tiêu chí, tăng 96 xã so với năm 2010. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn: Đến hết năm 2018 đạt 23,46 triệu đồng/người/năm, tăng 16,02 triệu đồng so với năm 2010. Dự kiến đến hết năm 2019, đạt 25,5 triệu đồng/người/năm.
Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn: Đến hết năm 2015 đạt 15,59%, giảm 37,81% so với năm 2010 (theo chuẩn nghèo cũ). Đến hết năm 2018, còn 21%, giảm 22,85% so với năm 2015 (theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều, năm 2015 rà soát lại theo chuẩn nghèo đa chiều là 43,85%). Toàn Tỉnh có 70 thôn đạt thôn kiểu mẫu, 96 thôn đạt thôn nông thôn mới.

Nhiều giải pháp thực tế, triển khai đồng bộ 

Để đạt được những kết quả nổi bật trong Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Lào Cai đã tổ chức triển khai một số giải pháp cơ bản:
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức và nội dung đa dạng, phong phú để các cấp, các ngành và mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người dân có nhận thức đúng đắn về nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. 
Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lào Cai xác định Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới là Chương trình trọng tâm của tỉnh để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh từ đó góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập bền vững của khu vực nông thôn trên địa bàn Tỉnh. Ngay từ khi triển khai thực hiện, Tỉnh ủy, UBND Tỉnh đã tập trung chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung xây dựng Đề án, chương trình hành động, ban hành Chỉ thị, Nghị quyết để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. 
Kiện toàn hệ thống bộ máy chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới thống nhất từ tỉnh đến cơ sở. Thành lập Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các cấp, riêng ở xã thành lập thêm Ban quản lý dự án xã và Ban phát triển thôn; thành lập Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới chuyên trách cấp tỉnh, huyện và cán bộ chuyên trách cấp xã để tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền trong tổ chức và thực hiện Chương trình. 
Tỉnh ủy đã chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt và có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các đồng chí trong Ban chấp hành Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo, phụ trách các huyện, thành phố và các xã trong xây dựng nông thôn mới, đồng thời UBND Tỉnh chỉ đạo, ban hành Quyết định phân công 143 đồng chí lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể và 20 đơn vị là các công ty, doanh nghiệp, các ngân hàng đóng trên địa bàn Tỉnh có trách nhiệm phối hợp, hướng dẫn và giúp đỡ các xã trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Xây dựng và ban hành chính sách xây dựng nông thôn mới phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Tỉnh ủy Lào Cai đã xác định nguyên tắc thực hiện Chương trình (Nội dung nào dễ làm trước, khó làm sau; nội dung nào ít vốn làm trước, nhiều vốn làm sau; nơi nào được sự đồng thuận của nhân dân làm trước, chưa đồng thuận làm sau; không đầu tư dàn trải các tiêu chí, triển khai thực hiện các nội dung, công việc theo thứ tự ưu tiên)... 
Thực hiện cơ chế khoán gọn cho cơ sở đối với những nội dung thực hiện được; các danh mục công trình, kế hoạch đầu tư phải phù hợp với quy hoạch, do cộng đồng dân cư đề xuất, lựa chọn và người dân tự nguyện đóng góp, tham gia để xây dựng. Trong giai đoạn 2010 - 2020, vốn doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia xây dựng nông thôn mới đạt 630.512,87 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 3,14% tổng nguồn vốn xây dựng nông thôn mới; vốn huy động từ cộng đồng dân cư đạt 1.236.882,65 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 6,19% tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới.
Chú trọng nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới các cấp. Trong giai đoạn 2010 - 2020, các cấp, các ngành từ tỉnh đến huyện đã tổ chức trên 600 các lớp tập huấn cho 35.000 lượt người tham dự. Thông qua các lớp tập huấn đã giúp cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Tỉnh nâng cao năng lực quản lý và chỉ đạo thực hiện ở cơ sở đảm bảo cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới giải quyết tốt công việc được giao, người dân có thêm kiến thức trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, đồng thời bảo đảm vệ sinh môi trường nông thôn. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đã làm thay đổi căn bản nhận thức của cán bộ các cấp, của nhân dân về Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Tổ chức triển khai sáng tạo Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của địa phương và khen thưởng kịp thời cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” được tỉnh Lào Cai lựa chọn các nội dung thi đua trọng tâm để chỉ đạo cơ sở tổ chức thực hiện phù hợp với từng giai đoạn. Giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh Lào Cai đã chọn 5 nội dung thi đua trọng tâm là (1) Phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân; (2) Phát triển giao thông nông thôn; (3) Vệ sinh môi trường nông thôn; (4) An ninh, trật tự xã hội nông thôn; (5) Phát triển hệ thống giáo dục mầm non cho trẻ dưới 5 tuổi. 
Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Lào Cai lựa chọn 6 nội dung thi đua trọng tâm là (1) Phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân; (2) Xây dựng đường giao thông nông thôn gắn với duy tu bảo dưỡng các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn; (3) Xây dựng nếp sống văn hóa, giữ gìn bản sắc dân tộc; (4) Cải tạo vệ sinh môi trường nông thôn; (5) Giữ gìn an ninh, trật tự nông thôn; (6) Cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của các hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số. 
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và kiểm tra phong trào thi đua ở cơ sở, Ban Chỉ đạo Tỉnh đã phân công các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo là Thường trực UBND Tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành đoàn thể tỉnh, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện Chương trình ở các địa phương; phối hợp với Ban Chỉ đạo các huyện, thành phố kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đề xuất sửa đổi cơ chế, chính sách và hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới cho phù hợp. HĐND Tỉnh đã tổ chức các cuộc giám sát chuyên đề về xây dựng nông thôn mới như: Giám sát việc làm đường giao thông nông thôn; việc cung ứng xi măng; phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân...
Thông qua công tác kiểm tra, giám sát, chỉ đạo triển khai thực hiện, Thường trực Ban Chỉ đạo Tỉnh đã kịp thời tham mưu cho UBND Tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo các sở, ngành và địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ được phân công; chấn chỉnh và khắc phục những tồn tại trong quá trình thực hiện, nhất là tình trạng chạy theo thành tích, huy động người dân đóng góp quá mức, nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới. Thông qua công tác kiểm tra Phong trào thi đua của thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp đã kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng và giới thiệu các tập thể, cá nhân có cách làm hay, sáng tạo, thiết thực và hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới để các tập thể, cá nhân khác học tập và làm theo, tạo động lực mạnh mẽ cho Phong trào thi đua trên địa bàn Tỉnh.
                                                                                                                                                                       Hoài Thanh 

 

 
Ý kiến của bạn